/Thuật ngữ “Shrinkflation” trong kinh tế
Thuật ngữ Shrinkflation trong kinh tế

Thuật ngữ “Shrinkflation” trong kinh tế

Thuật ngữ “Shrinkflation” trong kinh tế là một hiện tượng phổ biến trong thị trường tiêu dùng, mô tả sự giảm kích thước hoặc số lượng của sản phẩm mà giá vẫn được giữ nguyên nhằm đánh lạc hướng người tiêu dùng về bản chất sản phẩm đó đang tăng giá.

Từ này kết hợp giữa “shrink” (nghĩa là thu nhỏ) và “inflation” (trong kinh tế có nghĩa là lạm phát), đồng thời phản ánh xu hướng chung của sự biến động giá cả trong nền kinh tế hiện đại. Shrinkflation cho phép các nhà sản xuất và bán lẻ tăng lợi nhuận hoạt động và hiệu quả lợi nhuận bằng cách giảm chi phí trong khi duy trì doanh số bán hàng, và thường được sử dụng như một phương tiện thay thế cho việc tăng giá theo tỷ lệ với lạm phát.

1. Nguồn gốc của thuật ngữ

Giả sử bạn là một người yêu thích ăn kẹo, và mỗi ngày bạn đều mua một thanh kẹo chocolate yêu thích của mình. Một ngày nọ, bạn đi đến cửa hàng và nhận ra rằng giá của thanh kẹo vẫn giữ nguyên, nhưng kích thước của nó đã thu nhỏ đi một chút. Bạn có thể cảm thấy bất ngờ và thắc mắc về lý do tại sao mình nhận được ít kẹo hơn mà không có sự thay đổi về giá?

Đây chính là một ví dụ minh họa cho thuật ngữ Shrinkflation trong kinh tế. Do chi phí sản xuất tăng lên, nhà sản xuất kẹo quyết định không tăng giá trực tiếp để tránh làm mất khách hàng. Thay vào đó, họ giảm kích thước của thanh kẹo một cách nhỏ nhẹ, hy vọng rằng người tiêu dùng không sẽ không nhận ra sự thay đổi. Kết quả là, bạn vẫn phải trả cùng một giá tiền cho một thanh kẹo nhỏ hơn.

Về bản chất, Shrinkflation xảy ra khi giá của hàng hóa tăng lên trên mỗi đơn vị trọng lượng hoặc thể tích, thường do việc giảm trọng lượng hoặc kích thước của sản phẩm. Điều này có thể làm tăng giá của sản phẩm đóng gói, nhưng giá bán vẫn được giữ nguyên.

Khi các nền kinh tế bước vào giai đoạn lạm phát nghiệm trọng và dai dẳng thì đó sẽ là mảnh đất mà Shrinkflation sẽ thường xuyên xuất hiện. Thủ pháp này thường được các đơn vị bán đưa ra nhằm che giấu được bản chất tăng giá của sản phẩm để đảm bảo được doanh số của mình, nhưng thường sẽ bị các nhóm bảo vệ người tiêu dùng phê phán hành vi này.

Nhưng hãy chú ý, nếu doanh nghiệp quá lạm dụng thủ pháp này sẽ thường phải đối mặt với sự trả giá bằng niềm tin và sự quay lưng của người tiêu dùng với sản phẩm của họ.

Thuật ngữ “shrinkflation” được sử dụng lần đầu tiên với ý nghĩa hiện tại bởi nhà kinh tế học Pippa Malmgren. Trước đó, nhà sử học Brian Domitrovic đã sử dụng cùng thuật ngữ để chỉ một nền kinh tế đang bị thu hẹp trong khi gặp phải lạm phát cao.

2. Nguyên nhân gây ra Shrinkflation trong kinh tế

Trong thế giới kinh doanh đầy cạnh tranh và biến động ngày nay, Shrinkflation không chỉ là một hiện tượng mà còn là một chiến lược đáng chú ý của các doanh nghiệp.

Áp lực từ sự cạnh tranh gay gắt và sự gia tăng về lạm phát thường khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với sự khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận và giữ vững thị phần. Chính vì vậy, họ thường lựa chọn Shrinkflation như một biện pháp để thích ứng với những thách thức này.

Thuật ngữ Shrinkflation trong kinh tế

Barak Orbach, một nhà kinh tế học hàng đầu, lập luận rằng cạnh tranh thường là nguyên nhân chính dẫn đến Shrinkflation. Khi chi phí sản xuất tăng do các yếu tố như sự sốc nguồn cung, các doanh nghiệp phải tăng giá để duy trì lợi nhuận. Tuy nhiên, trong môi trường cạnh tranh gay gắt, việc tăng giá trực tiếp có thể mang lại rủi ro lớn. Do đó, các doanh nghiệp thường lựa chọn tăng giá gián tiếp thông qua Shrinkflation.

Ngoài ra, macroeconomist Vivek Moorthy đã phân tích và đào sâu vào hiệu ứng thu nhỏ của lạm phát, mặc dù không sử dụng trực tiếp thuật ngữ Shrinkflation.

Ông giải thích rằng sự tăng giá được xây dựng dựa trên niềm tin và công bằng. Dưới áp lực của lạm phát, các doanh nghiệp thường phải đối mặt với quyết định khó khăn giữa tăng giá hoặc giảm kích thước sản phẩm để duy trì giá cả ổn định và giữ chân khách hàng trung thành. Điều này làm nổi bật thêm sự cần thiết của Shrinkflation trong môi trường kinh doanh ngày nay.

3. Hãy chú ý tới cảm nhận của người tiêu dùng

Tâm lý thường thấy của người tiêu dùng là họ luôn cảm thấy khó chịu hơn với sự tăng giá sản phẩm hơn là việc giảm kích thước sản phẩm. Đặc biệt, một số khách hàng có thể ưu tiên chọn gói hàng nhỏ hơn với giá cũ hơn thay vì lựa chọn sản phẩm cũ với giá cao hơn. Năm bắt tâm lý đó, các doanh nghiệp trong những lúc chịu áp lực canh tranh đã tận dụng Shrinkflation để duy trì doanh thu.

Việc giảm kích thước gói hàng một cách tinh vi đủ để không ngay lập tức nhận biết bởi người tiêu dùng thông thường. Giá không thay đổi có nghĩa là hầu hết người tiêu dùng sẽ không ngay lập tức nhận thấy giá trị đơn vị cao hơn, điều đó khiến người tiêu dùng trong việc đưa ra quyết định mua hàng trong khoảng thời gian đó.

Nhưng doanh nghiệp cũng hết sức chú ý, mặt trái của Shrinkflation là tác động tiêu cực đến tâm lý của người tiêu dùng và tạo ra một sự không hài lòng khi họ cảm thấy bị “lừa dối” khi phát hiện ra doanh nghiệp đang sử dụng Shrinkflation đối với sản phẩm họ đang sử dụng, đặc biệt các sản phẩm họ yêu thích.

Do đó, các doanh nghiệp không nên sử dụng Shrinkflation một cách không minh bạch. Thay vào đó, khi điều chỉnh kích thước sản phẩm, họ nên giảm giá sản phẩm để tạo ra một tâm lý tích cực hơn cho người tiêu dùng. Việc này sẽ giúp duy trì lòng tin và lòng trung thành của khách hàng, và không gây ra sự phản đối hoặc tình trạng không hài lòng từ phía họ.

Sự minh bạch về nguyên nhân tăng giá của hàng hóa ví dụ như do lạm phát hay chính sách tiền tệ thực sự của nền kinh tế là một trong những điều doanh nghiệp cần tính đến. Mặc dù có thể ảnh hưởng đến doanh số hiện tại, nhưng việc thông báo rõ ràng và minh bạch về khi điều chỉnh kích thước sản phẩm sẽ tăng cơ hội thu hút và giữ chân khách hàng khi kinh tế phục hồi. Điều này giúp doanh nghiệp xây dựng một hình ảnh tích cực và uy tín trong lòng khách hàng, đồng thời củng cố vị thế của họ trên thị trường trong tương lai.